Sponsors

  • Công ty TNHH Giấy & Bao bì Hà Nội
  • Thông tin kinh tế trong nước và quốc tế
    www.tinhkinhte.com

Cấp lại giấy phép lái xe

Văn bản tham chiếu:

- Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGTVT hợp nhất Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT với các thông tư sửa đổi bổ sung gồm: Thông tư 38/2013/TT-BGTVT, Thông tư 48/2014/TT-BGTVT, Thông tư 67/2014/TT-BGTVT, Thông tư 87/2014/TT-BGTVT, Thông tư số 30/2015/TT-BGTVT.

- Phụ lục biểu mẫu kèm theo Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGTVT:Tải về Phụ lục Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGTVT

Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGTVT - Phần III - Chương IV - Điều 52 - quy định về việc cấp lại giấy phép lái xe cho người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng, bị mất giấy phép lái xe hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn:

Điều 52. Cấp lại giấy phép lái xe

1. Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng

a) Quá từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

b) Quá từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 35 của Thông tư này.

2. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, còn hồ sơ gốc, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ do người lái xe lập 01 bộ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đang quản lý giấy phép lái xe bị mất), gồm:

a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này;

b) Bản chính hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Khi đến nộp hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe, người lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh trực tiếp và phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) để đối chiếu.

3. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ do người lái xe lập 01 bộ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đang quản lý giấy phép lái xe bị mất), gồm:

a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này;

b) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Khi đến nộp hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe, người lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh trực tiếp và phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) để đối chiếu.

4. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, còn hồ sơ gốc, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải dự sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Thông tư này.

5. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Thông tư này.

6. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, còn hồ sơ gốc hoặc không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Thông tư này.

7. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ hai trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Thông tư này.

8. Người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ ba trở lên trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ hai, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Thông tư này.

9. Người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, nếu có nhu cầu, được dự học lại pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, được kiểm tra và có chứng nhận của cơ sở đào tạo lái xe đã hoàn thành nội dung học và nộp đủ hồ sơ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Thông tư này.

10. Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe cấp lại (phục hồi), được tính theo ngày trúng tuyển của giấy phép lái xe cũ.

11. Thời gian cấp lại giấy phép lái xe thực hiện như đối với cấp mới.

Khi cấp lại giấy phép lái xe, cơ quan quản lý cấp giấy phép lái xe phải cắt góc giấy phép lái xe cũ (nếu có).

12. Người dự sát hạch lại có nhu cầu ôn tập, đăng ký với các cơ sở đào tạo lái xe để được hướng dẫn ôn tập, phải nộp phí ôn tập theo quy định của Bộ Tài chính, không phải học lại theo chương trình đào tạo.

13. Người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng, nhưng không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu có nhu cầu được lập lại hồ sơ gốc.

Hồ sơ do người lái xe lập thành 01 bộ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đã cấp giấy phép lái xe), gồm:

a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này;

b) Bản sao chụp giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân.

Cơ quan cấp giấy phép lái xe kiểm tra, xác nhận và đóng dấu, ghi rõ: số, hạng giấy phép lái xe được cấp, ngày sát hạch (nếu có), tên cơ sở đào tạo (nếu có) vào góc trên bên phải đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe và trả cho người lái xe tự bảo quản để thay hồ sơ gốc.

Ads

* Tư vấn pháp luật miễn phí

* Thành lập công ty

* Thay đổi Đăng ký kinh doanh

* Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Government

Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Sponsors
    Tin pháp luật